5 cách giúp thương hiệu E-commerce tiếp cận với tiếp thị nội dung
Content marketing có thể góp mặt vào sự thành công của các doanh nghiệp thương mại điện tử bằng cách nào?
E-commerce (Thương mại điện tử) chính là thực tiễn và tương lai của chúng ta.
Có lẽ việc Sears - một tập đoàn bán lẻ truyền thống của Mỹ nộp đơn xin phá sản, đã gợi nhắc rõ nét về điều này.
Khi nhiều doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh ngoại tuyến đã đến lúc hết thời và lĩnh vực bán hàng online đang dần lên ngôi, khả năng tạo nên sự khác biệt của một thương hiệu E-commerce nhỏ bé sẽ quyết định sự thành bại của nó.
Làm cách nào để bản thân nổi bần bật giữa muôn vàn thương hiệu kinh doanh khác? Nhiều doanh nghiệp đã tìm ra đáp án, đó là: tiếp thị nội dung (content marketing).
Thế giới của tiếp thị nội dung đang thay đổi một cách chóng mặt.
Khi các tiêu chuẩn SEO, thiết kế web, viết nội dung,v.v… không ngừng đổi mới, mỗi doanh nghiệp hoạt động trong mọi ngành nghề liên tục buộc phải tinh chỉnh các phương pháp của mình.
Có một thực tế phũ phàng: vài chiến lược có thể cực kỳ hiệu quả ngày hôm nay, nhưng lại trở nên hoàn toàn vô dụng ngay hôm sau.
Trong thương mại điện tử, “content chất lượng tốt” là một khái niệm bao hàm nhiều yếu tố khác nhau.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu 5 cách thức giúp các thương hiệu thương mại điện tử khẳng định mình với content marketing nhé!
Làm thế nào để thương hiệu E-commerce tiếp cận content marketing hiệu quả?
1. Ưu tiên điểm E-A-T
Những đổi mới quan trọng nhất đối với các nguyên tắc xếp hạng chất lượng tìm kiếm của Google có sự hiện diện của điểm E-A-T. Đây là chữ viết tắt của từ tiếng Anh “Expertise” (Chuyên môn), “Authority” (Thẩm quyền) và “Trustworthiness” (Độ tin cậy).
Ở thời điểm hiện tại, Google chủ yếu áp dụng điếm E-A-T cho các cá nhân sáng tạo nội dung hơn là cho thương hiệu sản phẩm. Có nghĩa là cách thức content được “chấm điểm” sẽ dựa trên nguồn gốc của nó.
Ví dụ cụ thể, nếu một người sản xuất content về thực phẩm bổ sung, thì người đó nên đạt điểm E-A-T cao ở lĩnh vực y tế.
Vậy yếu tố này giúp ích gì cho các thương hiệu thương mại điện tử?
Đừng quên rằng các thuật toán của Google được thiết kế để mô phỏng cách con người đo lường chất lượng content.
Vậy nên, nếu muốn các trang sản phẩm của bạn được xếp hạng cao trên bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm tự nhiên (SERP), bạn cần tìm cách cải thiện điểm số E-A-T của mình.
Điểm E-A-T giúp website đạt thứ hạng cao trên SERP
Chuyên môn
Bạn cần chứng minh với các công cụ tìm kiếm (và người dùng) rằng bạn thực sự có kiến thức về mặt hàng mà bạn kinh doanh.
Là một nhà bán lẻ thương mại điện tử, hãy bắt đầu bằng cách đảm bảo rằng bạn làm việc với các nhà sản xuất có tên tuổi trên thị trường.
Nếu bạn thể hiện được tính chuyên nghiệp của những người sản xuất ra mặt hàng mà bạn kinh doanh, nghĩa là bạn cũng chứng minh được uy tín của mình.
Thêm vào đó, bạn có thể tiếp cận với các nhân vật nổi tiếng có chuyên môn trong ngành để họ tư vấn cho doanh nghiệp bạn.
Các chuyên gia sẽ quyết định giới thiệu thương hiệu và các sản phẩm của bạn như thế nào? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chức năng, tính thẩm mỹ và sự chuyên nghiệp thể hiện qua trang web của bạn.
Thẩm quyền
Thẩm quyền là điều xác nhận cho sự chuyên nghiệp của nhãn hàng.
Trong thế giới thương mại điện tử, các công ty lớn dễ dàng sản xuất ra các sản phẩm của riêng mình (như L.L Bean và Nike) và được coi là có thẩm quyền cao.
Mặt khác, người bán bên thứ ba thì cần phải chứng minh rằng họ đạt được những tiêu chí nhất định khi kinh doanh mặt hàng nào đó.
Ví dụ: Nếu trang web của bạn được gắn biểu tượng Better Business Bureau và đã được tổ chức này xác minh, thì trang web sẽ có khả năng được đánh giá xếp hạng cao hơn so với những trang khác. (Better Business Bureau là một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân với nhiệm vụ thúc đẩy niềm tin thị trường. Đây là cầu nối tạo niềm tin lẫn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.)
Độ tin cậy
Website muốn được xếp ở thứ hạng cao trên SERP phải chiếm được lòng tin của khách hàng. Bạn hãy kiểm tra lại website của mình xem nào:
- Trang sản phẩm thương mại điện tử của bạn có giải tỏa những thắc mắc hoặc mối quan tâm của người mua hàng hay không?
- Có dễ dàng để liên lạc với bạn hay không?
- Việc đổi trả hàng hóa được giải thích rõ ràng?
- Phương thức thanh toán có thuận tiện không?
- Có các đánh giá của khách hàng hay không?
- Các trang có triển khai HTTPS không?
Đây chỉ là một phần nhỏ khi nói đến việc xây dựng niềm tin với khách hàng.
Về cơ bản, các trang web bán hàng của bạn càng trực quan, nhiều thông tin và được khách hàng tin tưởng, sẽ càng được xếp hạng cao hơn trên SERP.
Điểm E-A-T ngày càng trở nên quan trọng. Để website có vị trí xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, những hướng dẫn trên cần đóng vai trò thiết yếu trong chiến lược tiếp thị nội dung của bạn.
2. Tích hợp video vào trang sản phẩm và hơn thế nữa
Video content giúp khách hàng tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm
Hạn chế lớn nhất của việc mua hàng trực tuyến là không thể tận mắt nhìn thấy sản phẩm ở đời thực. Đa phần người mua hàng không bao giờ biết rõ sản phẩm họ đặt mua như thế nào, cho đến khi họ cầm được nó trên tay.
Bây giờ, công nghệ thực tế ảo (AR) đã và đang làm những điều tuyệt vời để khắc phục vấn đề này.
Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu trực tuyến không có ngân sách để chi tiêu cho tính năng hào nhoáng ấy.
Điều này có nghĩa việc chèn video vào các trang sản phẩm và kế hoạch tiếp thị nội dung của bạn là điều phải làm.
Rõ ràng người dùng internet rất thích video content! Trên thực tế, thống kê cho thấy gần 75% người dùng online truy cập vào link có video.
Đối với các trang web bán hàng, video giới thiệu sản phẩm cung cấp cho khách hàng một sự hiểu biết trực quan về những gì họ có ý định mua.
3. Tập trung vào các review chất lượng từ các đối tác của Google
Gần như tất cả những ai từng mua đồ trên mạng đều hiểu rằng những đánh giá của người mua khác trên trang sản phẩm có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.
Những đánh giá độc lập từ bên thứ ba mang tới cho khách hàng nhiều ý kiến đa chiều và khách quan, nên rất có sức thuyết phục đối với người mua.
Thật không may, nhiều công ty và dịch vụ đánh giá đã lợi dụng điều này và đưa ra các đánh giá giả mạo, nhằm hướng khách hàng theo ý muốn của họ.
Dần dà, cả người tiêu dùng lẫn các công cụ tìm kiếm đều “thông thái” hơn trước cách làm mờ ám này.
Các bài đánh giá (review) từng là một tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp trong một thời gian.
Tuy nhưng, giờ đây Google đã ưu tiên hơn những đánh giá đến từ Google Review Partner - những đối tác đánh giá chính thức của Google. Điều này giúp người tiêu dùng tránh bị “lừa” bởi những đánh giá giả mạo.
Các nền tảng đối tác như Trustpilot và Yotpo rất có công trong việc đảm bảo tất cả các đánh giá là xác thực và kịp thời.
Vì thế, Google coi chúng là tài nguyên đáng tin cậy. Những đánh giá xác thực này có thể rất hữu ích để cải thiện Google Seller Ratings (Xếp hạng người bán trên Google) của bạn.
Hơn nữa, review snippet (đoạn trích đánh giá) giúp bạn nổi bật hẳn lên trong kết quả tìm kiếm tự nhiên.
Review snippet của AutoTrader
Vì vậy, các thương hiệu E-commerce đừng nên quên lựa chọn nền tảng Google Review để thu thập và quản lý các ý kiến đóng góp của người dùng nhé!
Nhiều chương trình dạng này tạo điều kiện cho bạn chuyển đổi các đánh giá thành những nội dung trực quan đầy lôi cuốn, hiển thị được trên trang web, phương tiện truyền thông xã hội và hơn thế nữa.
Các review nhận xét, lời chứng thực và tất cả các dạng nội dung khác do người dùng tạo ra là vũ khí tiếp thị nội dung cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
4. Xây dựng đội ngũ những người ảnh hưởng có lượng theo dõi thấp (Micro-influencer)
Nhiều thương hiệu nghĩ rằng chỉ những người ảnh hưởng sở hữu lượng người theo dõi nhiều nhất mới có giá trị cho một chiến dịch marketing.
Nói cách khác, khi họ tìm kiếm các đối tác bán hàng tiềm năng, họ có xu hướng đặt số lượng người theo dõi làm yếu tố quyết định hàng đầu.
Tuy nhiên, đây không phải là một bước đi thông minh cho các thương hiệu nhỏ hơn vì sự tốn kém chi phí và khả năng không mang lại ROI cao.
Có nghĩa rằng, các doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ nên tìm đối tác bán hàng là micro-influencer, tức những người ảnh hưởng không quá nổi tiếng. Trái ngược với megastar, một micro-influencer có số người theo dõi dưới 100.000.
Người ảnh hưởng càng có nhiều follower thì mức độ tương tác càng giảm mạnh.
Cụ thể, các tài khoản được 1.000 người theo dõi hoặc ít hơn thường đạt tỷ lệ lượt bấm like ở mức 8%. Trong khi đó, con số này giảm xuống còn khoảng 4% đối với tài khoản có 1.001-9.999 follower.
Điều đáng bàn là lượng người theo dõi ít hơn lại có xu hướng tập trung hơn vào thông điệp mà cá nhân đó truyền tải. Khi dựa vào danh tiếng của người ảnh hưởng để tiếp thị, sự tham gia luôn luôn cần thiết hơn số lượng follower.
Vì vậy, thay vì đầu tư tất cả ngân sách của bạn vào một tên tuổi lớn, bạn nên khôn ngoan chọn một vài người ảnh hưởng có ít follower hơn. Tỷ lệ tham gia của khách hàng tiềm năng có thể sẽ cao hơn nhiều và mang lại cho bạn ROI tốt hơn.
Micro-influencer giúp công ty E-commerce tiếp thị nội dung hiệu quả hơn so với megastar
5. Tiếp thị vì mục đích cao đẹp
Cause marketing hay “Tiếp thị vì mục đích cao đẹp” dần trở nên thông dụng trong những năm gần đây.
Trong lĩnh vực tiếp thị nội dung, cause marketing có khả năng tạo ra nhiều khách hàng nhiệt thành cho doanh nghiệp.
Theo Edelman, 64% người tiêu dùng mua sắm dựa theo độ tin tưởng vào nhãn hàng. Họ lựa chọn, chuyển đổi, tẩy chay hoặc tránh xa các thương hiệu dựa trên quan điểm của mình trong mối tương quan với vấn đề xã hội.
Khi bạn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và muốn dấn thân làm cause marketing, có một vài nhân tố chủ chốt bạn cần lưu ý.
Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn cần chọn một mục đích xã hội có liên quan với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu giữa chúng chẳng có chút dính dáng gì với nhau, chương trình cause marketing sẽ chỉ giống như một trò PR rẻ tiền.
Tiếp đó, khi đã chọn được mục đích xã hội phù hợp, bạn cần tìm hiểu chi tiết về cách thức đóng góp như thế nào.
Có nhiều hình thức thực hiện chiến dịch cause marketing khác nhau. Bạn cần cẩn trọng khi lựa chọn cách tiếp thị, đồng thời hiểu rõ chương trình cause marketing ấy có thể mang lại những lợi ích gì để mọi người cùng có lợi.
Tóm lại, cause marketing tạo điều kiện cho khách hàng thấy rằng tiền của họ sẽ được dùng cho việc có ý nghĩa lớn lao, vượt trên cả những lợi ích đơn thuần của người mua và người bán.
"Loads of hope" - Chương trình cause marketing của nhãn hàng bột giặt Tide đã rất thành công
Đúc kết
Không thể phủ nhận rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đang đương đầu với bao sóng gió trên thương trường.
Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, các doanh nghiệp E-commerce còn phải thoát khỏi sự lấn át của “người khổng lồ” Amazon.
Nếu bạn theo dõi quá trình phát triển và thành công của các thương hiệu thương mại điện tử khác ngoài Amazon và eBay), bạn sẽ nhận thấy điểm chung lớn nhất là họ đều xuất sắc trong việc sản xuất và phân phối content.
Do đó, nếu bạn đang tìm kiếm một chiến lược có thể kéo khách hàng về trang sản phẩm thương mại điện tử của mình, hãy ghi nhớ 5 chiến lược trong bài viết này nhé!
(Nguồn tham khảo: Search Engine Journal)
-
Tags bài viết:
- content-marketing
- thuong-mai-dien-tu