Các bước làm content marketing giúp beginner “ghi điểm” với sếp
Các bước làm content marketing sẽ không còn quá khó khăn đối với những ai mới bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực này nữa, nhờ vào việc thực hiện các gợi ý đơn giản này.
Thành công của các bước làm content marketing tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Và bạn có đồng ý với tôi rằng, một trong các yếu tố ấy chính là sự đồng thuận từ vị sếp của bạn?
Bây giờ, mời các bạn khám phá nội dung bài viết để biết cách thực hiện content marketing cho đề án kinh doanh khiến sếp có kỹ tính đến mấy cũng duyệt, nhé!
Các bước làm content marketing khiến sếp hài lòng
Để làm content marketing hiệu quả, bạn cần lưu ý những gì?
1. Tiếp cận khách hàng sớm nhất có thể
Tiếp thị nội dung thường được coi là hoạt động nằm trên đỉnh của phễu bán hàng (sales funnel) và trên thực tế, có thể thúc đẩy những hành động hữu ích ở mọi giai đoạn của phễu.
Tiếp thị nội dung chủ yếu là tạo ra điều hữu ích, phù hợp và hấp dẫn cho độc giả của bạn.
Đó có thể là về việc bán hàng nhưng chắc chắn không thể chỉ là về bán hàng.
Một ví dụ tuyệt vời cho điều này là chiến dịch tiếp thị của LYNX, thương hiệu chất khử mùi cho phái mạnh thuộc sở hữu của Unilever.
Thương hiệu LYNX đã thành công với chiến dịch tiếp thị nội dung như thế nào?
Unilever biết rằng cuộc chiến chống lại các đối thủ cạnh tranh bắt đầu từ lâu trước khi nam giới bước đến gian mỹ phẩm tại siêu thị địa phương.
LYNX cần kết nối với các khách hàng tiềm năng của mình khi họ chẳng hề nghĩ về chất khử mùi.
Một khi đã có sự liên kết đó, Unilever có thể tìm hiểu thêm về người dùng, phục vụ nội dung quảng cáo được nhắm mục tiêu tốt hơn và bắt đầu xây dựng sức hấp dẫn thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng.
Nếu thực hiện đúng, nam giới không phải đến cửa hàng để mua chất khử mùi. Mà họ đến cửa hàng để mua LYNX.
Bằng cách nhắm mục tiêu là các câu hỏi phổ biến do nam giới tìm kiếm trực tuyến, Unilever và LYNX đang cung cấp nội dung thích hợp, hữu ích, có giá trị.
LYNX đã trả lời những thắc mắc phổ biến nhất của phái mạnh về định kiến giới
Điều này giúp họ tiếp cận đối tượng của mình sớm hơn nhiều trong vòng đời khách hàng (customer lifecycle).
Theo một nghiên cứu trường hợp của Google về chiến dịch này, kết quả khá ấn tượng. Unilever đạt được 1,3 tỷ lượt hiển thị trên phương tiện truyền thông trong hai tuần và tổng cộng 2,5 triệu lượt xem video trên YouTube.
Nếu bạn có thể tìm ra những thắc mắc mà người dùng hỏi Google, bạn sẽ có thể đề ra những câu trả lời giống như Unilever đã làm.
Giá trị bạn cung cấp bằng cách này giúp thương hiệu của bạn tiếp cận những người phù hợp sớm hơn.
Hầu hết các khách hàng hiện nay khi tìm kiếm online vẫn không bắt đầu với một nhãn hàng cụ thể.
Đây có thể là cơ hội duy nhất bạn phải nắm bắt được từ khách hàng tiềm năng của mình. Bởi vì từ trước khi liên hệ với bất kỳ người bán hàng nào, đa số người dùng đã tự mình tìm hiểu và chọn một thương hiệu nào đó rồi.
Việc sản xuất và quảng bá nội dung góp phần đảm bảo thương hiệu của bạn có bước đà phát triển thuận lợi ngay từ đầu.
2. Hỗ trợ team kinh doanh với bằng chứng xã hội tạo lòng tin
Được team kinh doanh ủng hộ, ngân sách tiếp thị nội dung của bạn sẽ đỡ tốn kém hơn đấy!
Nếu sếp của bạn mới bắt đầu tiếp thị nội dung, rất có thể họ sẽ lắng nghe lời khen team kinh doanh dành cho bạn.
Vậy làm thế nào tiếp thị nội dung có thể giúp các nhân viên kinh doanh chốt được nhiều giao dịch hơn?
Trên thực tế, nhờ content marketing, người làm sale sẽ được tiếp xúc nguồn lead dồi dào và chất lượng.
Nhưng ở thì hiện tại, những hiệu quả trước mắt là gì?
Lời khuyên của chúng tôi là bạn nên tìm hiểu những dạng nội dung được bộ phận kinh doanh trông đợi.
Các dạng content marketing giúp ích cho việc kinh doanh
Thông thường, các case study (nghiên cứu trường hợp) hoặc testimonial (nhận xét từ người dùng sau khi trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ) sẽ được nhân viên kinh doanh gửi tới khách hàng tiềm năng.
Chúng chính là bằng chứng xã hội (social proof) tạo hiệu ứng lan truyền thông tin, thúc đẩy người tiêu dùng quyết định mua hàng.
Mặt khác, đó có thể là video demo hoặc webinar giải thích một tính năng phức tạp nhưng quan trọng của sản phẩm.
Những thành tựu nho nhỏ như thế có thể mở ra cơ hội để bạn trò chuyện với sếp về các hoạt động tiếp thị nội dung quan trọng hơn, với ngân sách lớn hơn.
3. Phân nhóm khách hàng và tìm kiếm đối tượng khách hàng mới
Như đã nói ở trên, tiếp thị nội dung có thể hỗ trợ mọi giai đoạn của phễu bán hàng.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, phễu marketing là công cụ thực sự hữu ích để kiểm thử áp lực chiến lược tiếp thị nội dung của bạn. Cách này thường rất dễ dàng để tìm ra những chỗ thiếu sót và cơ hội mới.
Bạn có đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn không? Và những mục tiêu đó có được hỗ trợ bằng nội dung và một chiến lược quảng bá hay không?
Content phù hợp với từng giai đoạn: Nhận thức, Đánh giá và Quyết định
(Ảnh: HubSpot)
Tuy nhiên, hãy lưu ý: Một trong những nguy cơ của phễu tiếp thị cổ điển là nó khuyến khích bạn nghĩ hành trình khách hàng là đường thẳng tuyến tính. Bắt đầu từ điểm A, qua B và C, sau đó là mua hàng.
Tệ hơn nữa, bạn sẽ nghĩ những người dùng của mình như một khối đồng nhất: Tất cả đều theo cùng một lộ trình từ lần tương tác đầu tiên tới việc trở thành vị khách hàng hạnh phúc.
Tất nhiên, hành trình khách hàng (customer journey) trên thực tế lại ngày càng phức tạp, với nhiều tương tác lẫn sự đổi ý.
Sự phức tạp này lại ẩn chứa cơ hội.
Việc tìm kiếm thông tin hiện diện đâu đó trong hành trình khách hàng kiểu hiện đại.
Ở giai đoạn bắt đầu quá trình, họ đặt cho Google câu hỏi họ cần được giải đáp, hoặc vấn đề họ cần phải giải quyết.
Khi phát hiện các giải pháp tiềm năng, họ lại tìm tiếp các đánh giá và bản giới thiệu sản phẩm.
Và lúc sắp sửa đưa ra quyết định, họ sẽ tìm kiếm một số bằng chứng xã hội mà chúng tôi đã đề cập trong ví dụ phía trên.
Khách hàng có xu hướng tin tưởng chia sẻ trải nghiệm của những người đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ ấy
Chiến lược SEO được hỗ trợ bởi việc sáng tạo nội dung tương ứng giúp thương hiệu của bạn có nhiều cơ hội được tìm thấy hơn.
Nhưng content marketing không đơn thuần chỉ như vậy.
Bạn còn có thể sử dụng content marketing để phân khúc đối tượng khách hàng của mình. Cách dễ thực hiện và chứng minh được giá trị của bạn với sếp là kèm theo các mục tiêu rõ ràng cho giai đoạn giữa của phễu.
Dạng content nào thích hợp để giúp bạn thực hiện điều ấy?
Có thể là webinar, hướng dẫn sử dụng sản phẩm hoặc ebook dành cho những người dùng sẵn lòng khám phá thêm từ thương hiệu của bạn.
Chọn dạng content này thực sự tạo điều kiện để bạn dễ dàng “lọc” những người dùng đã tương tác.
Sau đó, bạn có thể chạy quảng cáo remarketing, hoặc gửi email nhỏ giọt để chăm sóc một bộ phận khách hàng trong số đó, nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Kết luận
Quy trình các bước làm content marketing mang tính khả thi như trên là một cách tuyệt vời, giúp bạn thuyết phục thành công người nắm quyền quyết định (sếp của bạn đấy!).
(Nguồn tham khảo và lượt dịch: Castleford)
-
Tags bài viết:
- content-marketing